TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Khoa Công trình thủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khẳng định phương châm đào tạo của Đảng

 Phát huy thành tích 45 năm xây dựng và phát triển, Khoa Công trình thủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khẳng định phương châm đào tạo của Đảng: gắn công tác NCKH với lao động sản xuất, nâng cao chất lượng dạy và học.              

Khoa Công trình thủy thành lập ngày 15-8-1965, qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa đã đào tạo được hơn 3000 cán bộ bậc đại học các ngành: Xây dựng Công trình thủy , Bảo đảm an toàn hàng hải, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, gần 100 thạc sỹ ngành Xây dựng công trình thủy. Đội ngũ cán bộ KHKT do khoa đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện phương châm đào tạo của Đảng : Học đi đôi với hành, Đào tạo gắn liền với LĐSX, Khoa đẩy mạnh công tác NCKH, LĐSX  để nâng cao chất lượng Dạy và Học. Những năm qua, Khoa đã thực hiện được 3 đề tài NCKH cấp Bộ, 69 đề tài NCKH cấp trường, hơn 100 bài báo và báo cáo khoa học. Công tác NCKH của khoa tập trung vào các hướng chính:
- Giải quyết các vấn đề do thực tế sản xuất đặt ra.
- Áp dụng thành tựu KHKT mới và công nghệ tiên tiến của chuyên ngành vào lao động sản xuất.
- Dùng kết quả NCKH để nâng cao tính học thuật cho các bài giảng, tăng tính thực tiễn của giáo trình bài giảng cuốn hút sinh viên say mê nghe giảng, say mê lao động sáng tạo, xây dựng lòng yêu ngành yêu nghề cho các em.
Các công trình NCKH khoa học cấp Bộ, Khoa đã thực hiện là : Đề tài “Xây dựng tiêu chuẩn thiết kế triền, đà, âu tầu trong nhà máy đóng, sửa chữa tàu” do PGS TS Nguyễn Văn Ngọc thực hiện năm 2004-2005 được Hội đồng nghiệm thu Bộ GTVT xếp loại xuất sắc; Đề tài “Nghiên cứu và Xây dựng quy trình công nghệ sản xuất hải đồ điện tử phù hợp với điều kiện Việt Nam”.do THS Hoàng Hồng Giang thực hiện năm 2007-2008 được Hội đồng nghiệm thu Bộ GTVT xếp loại xuất sắc; Đề tài "Tính toán bến bệ cọc cao dưới tác dụng tải trọng động" của TS Đào Văn Tuấn thực hiện năm 2000 được Hội đồng nghiệm thu Bộ GTVT xếp loại xuất sắc. Các công trình NCKH cấp trường đều được các Hội đồng Khoa học cấp trường nghiệm thu và đánh giá cao, nhiều đề tài đạt loại xuất sắc.
Công tác lao động sản xuất được đẩy mạnh theo các hướng: tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công các công trình thủy và xây dựng dân dụng; kháo sát địa hình, địa chất, thủy hải văn. Các hoạt động này thực hiện thông qua Trung tâm tư vấn phát triển công nghệ xây dựng hàng hải do Bộ giao thông vận tải thành lập ngày 31-8-1998, mà lực lượng nòng cốt của trung tâm là đội ngũ các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên của khoa. Những năm qua, các công trình tiêu biểu Trung tâm đã thực hiện là:
-Thiết kế Cầu Cảng 1- 20000DWT, cầu cảng 2 - 20.000 DWT Cảng Đình Vũ Hải Phòng.
-Thiết kế bản vẽ thi công đà tàu 6500DWT, 12500DWT Xưởng S/C thủy và dịch vụ hàng hải Đình vũ Hải phòng
-Thiết kế bản vẽ thi công cầu tàu 6500DWT Công ty cổ phần đóng tàu Hải An
-Thẩm tra dự án , thiết kế bản vẽ thi công, dự toán - dự án đầu tư- xây dựng- khai thác dịch vụ sửa chữa tàu biển tại Hải phòng.
---
-Giám sát thi công Cảng cá Hạ Long.
-Giám sát thi công Cảng Đình Vũ - Hải Phòng
-Kháo sát hải văn tại Nghi Sơn – Thanh Hóa.
-Kiểm định khả năng tiếp nhận tầu 10000DWT, công trình tàu dầu 7500DWT công ty cổ phần 19-9.
-Kháo sát và đánh giá bồi lắng luồng Ka Long- Móng Cái Quảng Ninh.
-Thẩm tra thiết kế và dự toán cơ sớ sửa chữa và đóng tàu Công ty công nghiệp tàu thủy Ngô Quyền- Tập đoàn đóng tàu VINASHIN.
-Khảo sát, thiết kế xây dựng cầu cảng và cứng hóa đê dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép tại Hải phòng- công ty thép Việt Ý.
---
và rất nhiều công trình khác.
Trong các công trình LĐSX, các thầy cô giáo, nhà khoa học của khoa đều tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng kết quả NCKH, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng và rút ngắn thời gian thi công,cũng thông qua lao động sản xuất các thầy cô giáo, các nhà khoa học của khoa đã tổng kết được những bài học kinh nghiệm sâu sắc truyền đạt cho sinh viên làm taì liệu, hành trang khoa học cho các em bước vào cuộc đời công tác, điển hình như bài báo :"Nâng cao chất lượng lập dự án, thiết kế là nhân tố quan trọng nâng cao hiệu quả dự án đầu tư xây dựng" của PGS.TS Nguyễn Văn Ngọc đăng trên tạp chí Khoa học công nghệ Hàng hải là một tài liệu quý cho Sinh viên. Thông qua lao động sản xuất các giáo viên có kiến thức thực tế, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh công tác NCKH của các thầy cô giáo, Khoa đặc biệt quan tâm tới công tác NCKH của Sinh viên, Khoa cử các giảng viên trẻ nhiệt tình cùng các giảng viên có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn các em sinh viên nghiên cứu khoa học. Năm năm qua các em sinh viên đã thực hiện được 15 đề tài NCKH, nhiều đề tài được nhà trường chọn gửi dự thi Sinh viên NCKH toàn quốc, Sinh viên Trần Đức Phú lớp BDA43-ĐH với đề tài: “ Xây dựng hệ thống quản lý báo hiệu hàng hải luồng Hải Phòng trên GIS ”đạt giải nhất SVNCKH toàn quốc năm học 2005-2006, cũng năm 2005-2006 sinh viên của khoa đạt một giải nhất sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC, một học bổng cho Sinh viên đào tạo SĐH ở nước ngoài, ba đề tài NCKH của các em được giải khuyến khích toàn quốc, một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba cấp trường, ngoài các đề tài sinh viên NCKH được giải, các năm qua có 11 đồ án tốt nghiệp của sinh viên đạt giải thưởng Cổ loa thành do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.
Năm học 2010-2011 Khoa đặt ra nhiệm vụ thực hiện: 20 đề tài NCKH cấp trường, từ 2-3 đề tài NCKH cấp Bộ, nội dung các đề tài là nghiên cứu công nghệ, giải pháp kết cấu nhằm mang lại hiệu quá kinh tế cao trong xây dựng các công trình thủy, công trình dân dụng; các đề tài cũng tập trung vào xây dựng phần mềm tính toán để nâng cao chất lượng giảng dạy lý thuyết, ứng dụng thực tế; các đề tài về môi trường như nghiên cứu diễn biến luồng lạch, xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu…gắn việc bảo vệ môi trường với phát triển bền vững.
 Trong Trường Đại học, dạy và học là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, song để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập cần phải đẩy mạnh công tác NCKH bởi vì NCKH là chiếc cầu nối giữa giảng dạy trong nhà trường và thực tế sản xuất. Chỉ có thể nói ĐÀO TẠO ĐẠT CHẤT LƯỢNG CAO khi lý thuyết giảng dạy trong nhà trường gắn liền và đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Muốn như vậy, người thầy phải là người vừa có kiến thức chuyên môn sâu, vừa có kiến thức thực tiễn thông qua NCKH và LĐSX. Với nhận thức đó, suốt 45 năm xây dựng và phát triển của mình, Khoa Công trình thủy luôn luôn đề cao công tác NCKH và LĐSX, đội ngũ Cán bộ giảng dạy của khoa cũng như các em sinh viên được khuyến khích động viên làm công tác NCKH và LĐSX, và từ NCKH và LĐSX thầy và trò đều trưởng thành, nâng cao được chất lượng dạy và học. Sinh viên của khoa ra trường đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất, hàng trăm sinh viên đã trưởng thành trở thành những cán bộ KHKT ưu tú, cán bộ quản lý đầu ngành, cán bộ lãnh đạo của các địa phương trong toàn quốc, cũng 45 năm qua Khoa Công trình thủy cùng các khoa trong trường xây dựng lên thương hiệu VIMARU - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cao quý.
Gắn “Đào tạo, NCKH với lao động sản xuất”, gắn “học tập với thực hành”, khoa Công trình thủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khẳng định phương châmđào tạo đúng đắn của Đảng, hàng năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của khoa đạt từ 98 % đến 100%, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt từ 90% đến 100%, khoa đã góp phần cùng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chiến lược biển của Đảng.Ghi nhận công lao và thành tích đó,nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập khoa (15/8/1968-15/8/2010), Chủ tịch nước Cộng hòa
XHCN Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất cho Khoa và đổng chí chủ nhiệm khoa PGS.TS Nguyễn Văn Ngọc đã được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.    
                                                                                                                                                                                                    Hoàng- Hưng