TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Đội tuyển trường ĐH Hàng hải đạt giải Nhất cuộc thi "Sinh viên Việt Nam với Biến đổi khí hậu" năm 2011 tại Hà Nội

Thiết thực chào mừng Năm thanh niên 2011, nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức về biến đổi khí hậu cho sinh viên cả nước, đồng thời phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các tuyên truyền viên tích cực về tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó; phát huy vai trò xung kích của sinh viên trong các vấn đề xã hội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã tổ chức Chương trình Giao lưu và tọa đàm Sinh viên Việt Nam với Biến đổi Khí hậu năm 2011 từ ngày 24 đến hết ngày 27 tháng 11 tại thủ đô Hà Nội. 

Chương trình tập huấn và tọa đàm về "Ứng phó với biến đổi khí hậu" được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 26/11/2011 tại Đại học Quốc Gia Hà Nội với sự tham dự của đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Các đại biểu đã trình bày báo cáo khảo sát thực địa về tác động của biến đổi khí hậu đối với các địa phương và đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. 
Tối ngày 27/11/2011, cuộc thi "Sinh viên Việt Nam với biến đổi khí hậu năm 2011" đã được khai mạc trọng thể tại Hội trường Đại học Quốc gia Hà Nội (Số 144 Xuân Thủy - Cầu Giấy). 5 đội tuyển xuất sắc nhất, đại diện cho tất cả các trường Đại học, CĐ trong cả nước đã tham dự cuộc thi gồm có:
  1. 1. Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội
  2. 2. Đại học Sư phạm Hà Nội
  3. 3. Đại học Bách khoa Hà Nội
  4. 4. Đại học Hàng hải Việt Nam
  5. 5. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Đội tuyển trường ĐH Hàng hải tham dự cuộc thi gồm có 10 thành viên là sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường, khoa Máy tàu biển:
1. Nguyễn Thị Thúy Minh Sinh viên Lớp KMT50-ĐH   
2. Bùi Thị Thùy Linh         Sinh viên Lớp KMT50-ĐH   
3. Nguyễn Viết Hoạt         Sinh viên Lớp KMT48-ĐH   
4. Ngô Thị Mai Loan         Sinh viên Lớp KMT50-ĐH   
5. Bùi Thị Diệp                 Sinh viên Lớp KMT50-ĐH   
6. Trần Anh Tuấn         Sinh viên Lớp KMT50-ĐH   
7. Bùi Văn Toản                 Sinh viên Lớp KMT48-ĐH   
8. Phạm Văn Quý         Sinh viên Lớp KMT48-ĐH   
9. Đào Thị Hải Anh         Sinh viên Lớp KMT50-ĐH   
10. Đặng Thanh Trúc         Sinh viên Lớp KMT50-ĐH  
Các đội chơi đã lần lượt trải qua 3 phần thi: 
Phần I: Màn chào hỏi với tên gọi: “Nhập cuộc”
- Cách chơi: Các đội giới thiệu được hình ảnh của đơn vị và giới thiệu được các thông tin về hoạt động tuyên truyền về môi trường và biến đổi khí hậu của trường mình.
- Hình thức: Hình thức thể hiện tự do dưới hình thức sân khấu hóa: kịch tuyên truyền, diễn tấu, kịch trình diễn thông tin..., khuyến khích sự giới thiệu dễ hiểu, độc đáo, sáng tạo và số lượng người tham gia giới hạn trong thành viên của đội chơi.   
- Thời gian: Tối đa dành cho mỗi đội là 05 phút.
- Cách tính điểm: Điểm tối đa cho phần này là 30 điểm. Nếu cứ quá 10 giây mỗi đội sẽ bị trừ 1 điểm trên tổng số điểm, quá 2 phút phần này không được tính điểm. 
* Ban giám khảo sẽ đánh giá dựa trên các tiêu chí sau: 
 
+ Gắn với chủ đề giao lưu (15đ)   
+ Sinh động, ấn tượng, độc đáo, sáng tạo (10đ)   
+ Giới thiệu hình ảnh của đơn vị mình (5đ)  
 
Phần II: Giao lưu kiến thức và tình huống với tên gọi: “Trái đất của tôi”
Các đội sẽ tham gia trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức về các chủ đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, 5 thành viên chính thức phải tham gia phần giao lưu này. 
- Cách chơi: 05 đội cùng xuất hiện trên sân khấu để trả lời 10 câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra trên màn hình. Các đội sẽ cùng sử dụng tín hiệu để giành quyền trả lời.
- Thời gian: Ngay sau khi MC kết thúc hiệu lệnh, các đội được quyền bấm chuông giành quyền trả lời. Các đội có 20 giây suy nghĩ để trả lời câu hỏi. Đội nào bấm chuông nhanh nhất sẽ giành quyền trả lời. Đội nào bấm chuông trước hiệu lệnh sẽ mất quyền trả lời. Trả lời đúng, chuyển sang câu hỏi khác. Trả lời sai, MC sẽ ra hiệu lệnh cho 04 đội còn lại. Hết 20 giây, các đội không có câu trả lời chính xác, quyền trả lời thuộc về khán giả. 
- Cách tính điểm: Mỗi câu trả lời đúng được 5 điểm, trả lời sai 0 điểm.
Phần III: Giao lưu hùng biện với tên gọi: “Chung tay hành động”
- Cách chơi: Mỗi đội tham gia sẽ được chuẩn bị nội dung trình bày dựa theo báo cáo khảo sát thực địa đã thực hiện của mình. Ban Tổ chức sẽ cho các đội bốc thăm để chọn thứ tự. Cả 5 đội có 5 phút để chuẩn bị nội dung. Hết 5 phút chuẩn bị 5 đội bắt buộc phải ra sân khấu để nghe từng đội thể hiện phần giao lưu của mình. 
Hội đồng Cố vấn sẽ cho điểm nhận xét dựa trên 2 yếu tố: Đánh giá đối với phần báo cáo của đội, bên cạnh đó Cố vấn có thể đặt ra thêm các câu hỏi xoay quanh kiến thức hay giải pháp, thông điệp được nhắc đến trong phần hùng biện của đội. Mỗi phần giao lưu không kéo dài quá 07 phút. Khuyến khích các đội sử dụng các hình thức biểu đạt mới, sáng tạo.
- Thời gian: Mỗi đội sẽ có 05 phút để trình bày nội dung hùng biện. Cứ quá mỗi 10 giây sẽ bị trừ 1 điểm. Quá 1 phút phần giao lưu này không được tính điểm. 
- Cách tính điểm: Tổng số điểm của phần này là 50 điểm.
Ban Cố vấn sẽ đánh giá phần giao lưu này trên các tiêu chí:
+ Khái quát được đầy đủ nội dung cơ bản của báo cáo (20 điểm).
+ Đưa ra được sáng kiến, giải pháp, ý tưởng hay để giải quyết vấn đề được nêu trong chủ đề (20 điểm).
+ Khả năng thuyết trình, trình bày nội dung, phương thức thể hiện của chủ đề hùng biện (10 điểm).
Đội tuyển trường Đại học Hàng hải Việt Nam, với trí tuệ và sức trẻ Hàng hải đã xuất sắc vượt qua 04 trường ĐH còn lại trong cả ba phần thi và giành giải Nhất với số điểm áp đảo.
Với màn chào hỏi đầy ấn tượng, dí dóm và được chuẩn bị khá công phu, đội tuyển trường ĐH Hàng hải đã nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của khán giả trong Hội trường Đại học Quốc gia.
Trong phần thi giao lưu tìm hiểu kiến thức, đội tuyển ĐH Hàng hải đã xuất sắc giành quyền trả lời chính xác phần lớn các câu hỏi của BTC và gần như giành điểm tuyệt đối.
Phần thi hùng biện là phần thi căng thẳng nhất trong toàn bộ nội dung của cuộc thi. Các đội tuyển đã cử những đại diện xuất sắc nhất của mình lên trình bày những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi đội tuyển đều có những ý tưởng độc đáo riêng mang đậm dấu ấn của trường mình.
Với phong cách tự tin, dõng dạc, thể hiện bản lĩnh của những chàng trai Hàng hải, bạn Nguyễn Viết Hoạt lớp KMT48-ĐH đã hoàn thành xuất sắc phần thi hùng biện của mình và trả lời chính xác những câu hỏi mà ban cố vấn đặt ra đem lại thắng lợi áp đảo cho đội tuyển trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Theo đánh giá của BTC, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà đội tuyển trường ĐH Hàng hải đưa ra là vô cùng thiết thực và có ý nghĩa to lớn đối với địa phương.
Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá rất cao sự chuẩn bị công phu và nghiêm túc của Hội Sinh viên trường ĐH Hàng hải đã góp phần tạo nên thành công của một cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia.
 
Edited By: Nguyễn Vương Thịnh