TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Phát triển nhân lực KH&CN biển theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị

Sáng 26/10, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển nhân lực KH&CN biển theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến - kết nối đa nền tảng trên Zoom và Youtube. Đồng chủ trì hội thảo là PGS.TS. Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và TS. Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN. Tham dự hội thảo, về phía Trung ương, có đại diện Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Viện nghiên cứu và phát triển Vùng và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội...; Về phía thành phố Hải Phòng có lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học, sở, ban, ngành và doanh nghiệp liên quan...

Giám đốc Sở KH&CN Trần Quang Tuấn phát biểu khai mạc tại hội thảo.

Trên địa bàn Hải Phòng hiện có 19 tổ chức KH&CN lĩnh vực biển và môi trường biển, trong đó có 01 trường đại học (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) và 03 viện nghiên cứu lớn của Trung ương (Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Nghiên cứu Hải sản và Viện Y học biển). 4 đơn vị này cũng là các đơn vị tập hợp được đội ngũ cán bộ KH&CN biển lớn và tinh túy nhất của thành phố với trên 60 giáo sư, phó giáo sư; gần 250 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; 630 thạc sĩ. Bên cạnh đó, còn một số lượng không nhỏ cán bộ KH&CN biển hoạt động tại các tổ chức KH&CN, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp,… Đây là vốn quý để phát triển KH&CN và các ngành kinh tế biển của thành phố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, đội ngũ cán bộ KH&CN biển của thành phố vẫn hạn chế về số lượng, chưa hoàn chỉnh về cơ cấu chuyên môn, chất lượng chưa đồng đều; do đó, nhân lực khoa học và công nghệ biển chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu để Hải Phòng “trở thành trung tâm quản lý, nghiên cứu, phát triển KH&CN biển của cả nước”.

Hội thảo đã thu hút được 14 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học của hơn 30 đơn vị, tổ chức gồm các các viện nghiên cứu, trường đại học, các sở, ban, ngành... và hơn 300 đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp và trực tuyến. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đóng góp 02 tham luận quan trọng về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng hải và logistics.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Xuân Dương khẳng định tầm quan trọng nhân lực khoa học và công nghệ biển trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời định hướng các đại biểu tham luận tập trung  vào một số vấn đề trọng tâm cần trao đổi, thảo luận tại Hội thảo:
+ Thực trạng phát triển nhân lực khoa học công nghệ biển của thành phố Hải Phòng
+ Các giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ biển thành phố Hải Phòng tới năm 2045.
+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ biển thành phố Hải Phòng.
+ Phát triển nhân lực khoa học công nghệ biển thành phố Hải Phòng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

PGS.TS. Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và TS. Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN đồng chủ trì hội thảo.

Tại phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về vai trò, ý nghĩa nhân lực KH&CN biển; đồng thời nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng và đề xuất những giải pháp phát triển nhân lực KH&CN biển, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố. Hội thảo cũng đặt ra yêu cầu với thành phố trong bối cảnh hiện nay là phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, có chuyên môn sâu về biển và đại dương…

GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải - Chủ nhiệm chương trình KH&CN phục vụ quản lý hải đảo và phát triển kinh tế biển (Chương trình KC.09) tham luận trực tuyến tại hội thảo.

Hội thảo đã nêu rõ một số giải pháp phát triển nhân lực khoa học và công nghệ biển: (1) Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, các nhà nghiên cứu và quản lý về vai trò của KH&CN biển nói chung và nhân lực KH&CN biển nói riêng; (2) Phát triển nhân lực KH&CN biển phải gắn với chuyển đổi số trong bối cảnh mới; (3) Cần đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển, xác định thay đổi cơ cấu việc làm, từ đó sẽ có cơ chế chính sách mới, đặc thù và phù hợp phát triển nhân lực KH&CN biển; (4) Nâng cao trách nhiệm, vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ, của các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt là các viện, trường nghiên cứu về khoa học và công nghệ biển; (5) Nghiên cứu về phát triển KH&CN biển phải gắn với tính ứng dụng và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của thành phố; (6) Cần tăng cường, mở rộng hợp tác, trong đó chú trọng hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ quan quản lý và các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học để tăng cường cho công tác nghiên cứu KH&CN biển, từ đó sẽ làm cơ sở, động lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN cho thành phố. Những giải pháp sẽ góp phần làm căn cứ để thành phố xây dựng chiến lược phát triển nhân lực KH&CN biển trong thời gian tới..../.