TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

ĐÓN ĐỌC BỘ GIÁO TRÌNH “ĐỊA VĂN HÀNG HẢI”

Địa văn hàng hải chiếm vị trí chủ đạo trong hàng hải học hiện đại, đồng thời, là môn học chuyên môn bắt buộc và rất quan trọng của ngành Điều khiển tàu biển (ĐKTB). Ban Chủ nhiệm Khoa ĐKTB đã chỉ đạo nhóm tác giả là cán bộ, GV phải tập trung hoàn thành bộ giáo trình về Địa văn hàng hải để phục vụ đào tạo. Nhóm tác giả gồm: Tiến sĩ (TS), Thuyền trưởng (TTr) Phạm Kỳ Quang; Thạc sĩ (ThS), TTr Nguyễn Thái Dương và TS, TTr Nguyễn Phùng Hưng đã biên soạn bộ sách “Địa văn hàng hải” gồm 3 tập để làm giáo trình giảng dạy thống nhất và chính thức cho giảng viên (GV), sinh viên (SV) và sỹ quan hàng hải (SQHH).

Địa văn hàng hải I gồm 7 chương do TS, TTr Nguyễn Phùng Hưng chủ biên, trang bị cho SV và SQHH khối lượng kiến thức cơ bản liên quan đến: Các khái niệm cơ bản; phương pháp xác định hướng trên biển; xác định quãng đường tàu chạy trên biển; phép chiếu hải đồ; hải đồ, thao tác và công tác tu chỉnh hải đồ; hệ thống, thiết bị báo hiệu hàng hải; các ấn phẩm hàng hải trên tàu biển.

Địa văn hàng hải II gồm 6 chương do TS, TTr Phạm Kỳ Quang chủ biên, trang bị cho SV và SQHH những kiến thức chuyên sâu liên quan đến nghiệp vụ thao tác và xác định vị trí tàu biển: Dự đoán đường đi của tàu bằng cách vẽ; dự đoán đường đi của tàu bằng giải tích; cơ sở lý thuyết của việc xác định vị trí tàu bằng mục tiêu địa văn; các phương pháp xác định vị trí tàu bằng mục tiêu địa văn; phương pháp đánh giá độ tin cậy và độ chính xác của vị trí xác định. Đặc biệt, trong mỗi chương học, đưa ra những ví dụ điển hình, các câu hỏi và bài tập kiểm tra, các dạng bài tập thao tác tuyến đường tàu chạy, giúp SV và SQHH củng cố vững vàng kiến thức đã học, kiến thức nâng cao, kỹ năng thực hành nhằm tăng tính tư duy của học viên.

Địa văn hàng hải III gồm 6 chương do ThS, TTr Nguyễn Thái Dương chủ biên, trang bị cho SV và SQHH những kiến thức chuyên sâu liên quan đến nghiệp vụ dẫn tàu và lựa chọn tuyến đường chạy tàu tối ưu: Các hệ thống vô tuyến dẫn đường; radar hàng hải; thủy triều; hàng hải ven bờ; hàng hải trong tình huống đặc biệt; dẫn tàu theo đường đi có lợi nhất,…

Để hoàn thành 3 tập sách trên, nhóm tác giả đã rất cố gắng, tận tâm trong việc biên soạn, tìm tòi, cập nhật các kiến thức, tham khảo các tài liệu trong và ngoài nước. Hơn nữa, bằng kinh nghiệm thực tiễn đi biển và đảm nhiệm chức danh Thuyền trưởng nhiều năm, nhóm tác giả đã chắt lọc và tổng hợp những kiến thức thực tiễn phù hợp với đặc thù của ngành ĐKTB làm cho giáo trình dễ học, dễ hiểu và bám sát với thực tiễn ngành hàng hải.

  Cả ba tập đều bám sát mục tiêu nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới về công tác đào tạo và tiêu chuẩn hóa giáo trình giảng dạy, học tập, bồi dưỡng nâng cao, huấn luyện thuyền viên và nghiên cứu khoa học của cán bộ, GV, SQHH và SV ngành ĐKTB.

Bộ giáo trình “Địa văn hàng hải” giúp GV, SV Khoa ĐKTB, SQHH và một số chuyên ngành khác có liên quan như: Bảo đảm an toàn hàng hải, Hoa tiêu hàng hải, Khoa học hàng hải,… có tài liệu chuẩn và thống nhất để giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, huấn luyện và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ hàng hải. Đồng thời là tài liệu tham khảo thiết thực và hữu ích cho bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.

Ba cuốn “Địa văn Hàng hải” trên đã được Hội đồng khoa học của Nhà trường nghiệm thu và phê chuẩn làm giáo trình cho Trường ĐHHH. Tháng 8 này, bộ giáo trình sẽ ra mắt bạn đọc, trước tiên là cuốn “Địa văn hàng hải 2” của NXB Khoa học kỹ thuật.

Trung tâm Thông tin tư liệu sẽ triển khai nhanh để phục vụ người học ngay trong năm học mới 2012-2013. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.