TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

“Kỹ sư tương lai” Khoa Công trình thủy – một mô hình hoạt động đoàn mới!

 1.1 Ý tưởng triển khai

Xuất phát từ thực tế sau khi trở về trường công tác (tháng 10/2010), trải qua quá trình công tác giảng dạy, quy chế đào tạo chuyển thể từ niên chế sang học chế tín chỉ, kết quả học tập của sinh viên kém hẳn, đặc biệt là sinh viên khoa Công trình thủy qua tổng kết của Nhà trường.
Được sự giáo dục tư tưởng, lập trường, chỉ đạo trực tiếp của thầy PGS.TS Nguyễn Văn Ngọc – Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm khoa Công trình thủy về việc cân đối lĩnh vực hoạt động công tác Đoàn: văn nghệ (bề nổi) và học tập (thực chất).
Nhận thấy kế hoạch Công tác Đoàn của Đoàn trường ĐHHH ít hoạt động mang tính định hướng học tập, các hoạt động mang tính mới mẻ, đột biến.
Tôi đã đã bày tỏ nỗi niềm đó với phía sinh viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn sinh viên của khoa.
Ngay sau đó, hai sinh viên: Tô Nữ Trà My – Chủ tịch HSV khoa và Đào Duy Cương - Phó Bí thư Liên chi đã đưa ra cho tôi một bản sơ thảo ý tưởng về cuộc thi "Kỹ sư trẻ" - tên sơ khai ban đầu! Ý tưởng của cuộc thi nhắm vào những điểm chính sau:
1)    Toàn bộ nội dung là mảng học thuật, liên quan xuyên suốt đến toàn bộ những kiến thức cơ bản - cơ sở - chuyên ngành mà khoa Công trình thủy đào tạo.
2)    Tính thực tế của cuộc thi: sinh viên tham gia được thực hành, thực tập, được đi tham quan các công trình chuyên ngành, được trải nghiệm cuộc sống, khó khăn vất vả của người kĩ sư xây dựng.
3)    Tính hữu dụng: sinh viên phải thi kiến thức, phải triển khai kiến thức đó thành sản phẩm là các công trình MÔ HÌNH CHUYÊN NGÀNH.
4)    Tính phổ biến: tất cả sinh viên thuộc 04 ngành của khoa đều tham gia được.
5)    Tính mới lạ: là một form chương trình mới hoàn toàn, rộng lớn và cần rất nhiều nguồn tư liệu!
6)    Tính liên kết: để thực hiện được, cần sự nhiệt tình tham gia của cả sinh viên và tất cả giáo viên trong khoa, trong trường!
1.2 Triển khai ý tưởng thành hiện thực
Ngay sau đó, trong các cuộc họp giao ban cán bộ chủ chốt của khoa, bản thân tôi có sự đóng góp, sửa đổi cho phù hợp thành một bản đề cương chương trình từ sơ lược đến chi tiết, trình bày trước các thầy trong Ban chủ nhiệm khoa, các thầy trưởng bộ môn. Các thầy cô hoan nghênh ý tưởng mới, cho ý kiến tư vấn chỉnh sửa nội dung, triển khai chi tiết cho phù hợp với đặc thù chuyên ngành của khoa.
Toàn bộ chương trình diễn ra qua 05 vòng:
- Vòng loại: tuyển chọn từ tất cả các đội đăng ký tham gia của tất cả các ngành, Ban cố vấn của từng ngành sẽ chọn ra 01 đội mà các thầy cô khẳng định là xuất sắc nhất, có thể đạt giải cao nhất tại đêm chung kết. Sau vòng loại, bốn đội chơi đại diện cho 04 ngành đã được xác định, đó là: Công trình thủy; Bảo đảm an toàn hàng hải; Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Kĩ thuật cầu đường.
- Vòng thực hành: 04 đội thi phải trải qua 02 tuần thi hai môn thực hành: Vật liệu xây dựng và Trắc địa công trình. Các đội chơi phải chuẩn bị về cả lý thuyết môn học, kiến thức thực hành xác định cấp phối bê tông, đúc mẫu bê tông cường độ cho trước … trong môn Vật liệu xây dựng. Và sử dụng các kỹ năng trong công tác đo cao, đo dài với các máy trắc địa hiện đại nhất hiện nay. Vòng thi này thực sự là trải nghiệm lớn dành cho các kỹ sư xây dựng tương lai.
- Vòng tham quan: các đội chơi của 04 ngành được các thầy cô trong ban cố vấn tổ chức, dẫn đi tham quan các công trình chuyên ngành đặc thù của từng đội. Đội Công trình thủy được trải nghiệm đo đạc thủy văn (sóng, gió, dòng chảy, bùn cát…) tại biển Đồ Sơn; được tham quan tổng mặt bằng Cảng Vật Cách, tìm hiểu các kết cấu, cấu tạo của hệ thống công trình bến cảng. Đội chơi Bảo đảm an toàn hàng hải tham quan các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc. Các em được tham quan xí nghiệp sản xuất phao tiêu báo hiệu hàng hải, xí nghiệp cơ khí hàng hải, Công ty khảo sát hàng hải Bắc Bộ, tham quan luồng Vật Cách, lên tàu Vĩnh Thực tham quan trạm đèn nhà Vàng…trải nghiệm cuộc sống của một kỹ sư Bảo đảm an toàn hàng hải. Đội Xây dựng dân dụng không chỉ được tham quan tòa nhà Vietcombank cao 11 tầng tại số 275 Lạch Tray, các em còn được tự tay thực hiện công việc của một công nhân xây dựng bình thường, được nhào vữa, trộn bê tông, xây tường, đánh ni vô … mỗi thành viên trong đội thực sự là một công nhân xây dựng, trước khi tốt nghiệp trở thành kỹ sư xây dựng thực thụ. Còn đội Kĩ thuật cầu đường, Ban cố vấn đã dẫn các bạn đi tham quan nút giao thông Quán Toan. Hệ thống cầu vượt – đường giao thông – mặt bằng cảnh quan được các thầy cô lồng ghép giới thiệu cho các em. Từng thành viên trong đội chơi cảm nhận được tính thiết thực, gần gũi của ngành nghề mình sắp hoạt động trong tương lai không xa.
- Hoàn thiện mô hình: mỗi đội chơi có thời gian một tháng kể từ vòng loại để hoàn thiện MÔ HÌNH CHUYÊN NGÀNH của mình lựa chọn. Các mô hình đặc thù từng ngành được chỉnh sửa, hoàn thiện những giai đoạn cuối cùng để cùng so tài đêm Chung kết. Đội Công trình thủy rất quyết tâm và thực hiện thành công MÔ HÌNH ÂU TÀU; đội Bảo đảm an toàn hàng hải kỳ công với SA BÀN PHAO TIÊU BÁO HIỆU HÀNG HẢI; đội Xây dựng DD&CN sáng tạo với MÔ HÌNH KÝ TÚC XÁ SINH VIÊN ĐHHH; đội Kĩ thuật cầu đường thể hiện sự tinh tế với MÔ HÌNH NÚT GIAO THÔNG LẬP THỂ HOA THỊ.
- Vòng chung kết: đêm chung kết KST – Kỹ sư tương lai khoa Công trình thủy diễn ra thành công vào tối 17/10/2012 tại Hội trường lớn Đại học Hàng hải Việt Nam với sự hiện diện của những khách mời quan trọng: đ/c Nguyễn Đức Hạnh – Bí thư Đoàn trường ĐHHH; đ/c Nguyễn Vương Thịnh – Phó Bí thư thường trực Đoàn trường, Chủ tịch HSV trường; các đ/c Bí thư Liên chi, Chủ tịch Hội sinh viên các khoa trong trường… và toàn thể Giảng viên, sinh viên khoa Công trình thủy. 
Bốn đội chơi đại diện cho bốn ngành: Công trình thủy, Bảo đảm an toàn hàng hải, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Kĩ thuật cầu đường đã được trải qua các phần thi hồi hộp, gay cấn nhưng cũng hết sức vui tươi, náo nhiệt. Kết quả cuối cùng, đội chơi của ngành Kĩ thuật cầu đường đã đăng quang đêm chung kết, đội Công trình thủy giành giải nhì, Bảo đảm an toàn hàng hải giải ba, Xây dựng dân dụng và công nghiệp giải tư – Kết quả trên hoàn toàn xứng đáng, phản ánh toàn bộ quá trình nỗ lực không mệt mỏi trong hơn một tháng diễn ra cuộc thi.
1.3 Cảm nhận từ Ban tổ chức
Trải qua hơn một tháng triển khai, Ban tổ chức là những thành viên của BCH Liên chi, BCH Hội sinh viên khoa, cán bộ đoàn các chi đoàn thuộc khoa tạo nên một êkip ăn ý, luôn nỗ lực vượt qua chính bản thân mình, hoàn thành một khối lượng khổng lồ.
Bí thư Liên chi phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong ban tổ chức (BTC), chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dụng cụ thiết bị, máy quay, chụp hình, phông nền, áp phích … cho từng vòng thi một diễn ra. Khối lượng công việc là cực kỳ lớn, huy động toàn bộ nhân lực, vật lực của toàn khoa.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, các thầy cô cũng đã vào cuộc hết sức khẩn trương và nghiêm túc. Các ban được thành lập với hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể: Ban giám khảo, Ban thư ký, Ban cố vấn, Ban đề thi, Ban chuyên gia thực hành… tạo nên một khối lượng ngân hàng đề thi rất lớn, các thiết bị thí nghiệm thực hành, liên hệ địa điểm tham quan, hướng dẫn tham quan cho sinh viên… các thầy cô thực sự đi cùng các đội chơi trong suốt hành trình, các em được trải nghiệm, được sống cuộc sống của một kỹ sư thực thụ.
BTC cũng có những quyết đoán, sáng tạo: tự sáng tác ra lô gô của cuộc thi, tự thiết kế phông nền, backdrop, áp phích, thiết kế mẫu áo đội chơi, áo dẫn chương trình, áo của BTC. Công tác PR cũng được quan tâm, toàn bộ thông tin về cuộc thi được cập nhật qua email chung của các lớp, qua diễn đàn của khoa ctt.edu.vn, diễn đàn trường sinhvienhanghai.net, địa chỉ facebook Kst Ctt… và được dán ở các bảng tin Đoàn thanh niên tại tầng 5 và tầng 9 nhà A6.
KST – Kỹ sư tương lai 2012 đã khép lại, nhưng dư âm của nó sẽ không bao giờ tắt trong lòng mỗi thành viên KST cũng như toàn khoa Công trình thủy. Đây là không chỉ là một hoạt động đoàn thông thường, nó kết hợp toàn bộ các yếu tố của một đơn vị đào tạo chuyên ngành, phát huy bản chất ham học hỏi của sinh viên, kích thích tìm tòi khám phá, giao lưu trao đổi kiến thức. Bên cạnh đó, tính chất dí dỏm, nỗ lực cố gắng không ngừng, trách nhiệm trong công việc của các thành viên trong BTC cũng được đánh giá cao. Clip hậu trường cuối cùng trong đêm Chung kết đã thể hiện rằng chương trình KST đã thành công ngoài mong đợi của chính những người tổ chức ra nó!
Tác giả: Phạm Văn Khôi – Bí thư Liên chi đoàn khoa Công trình thủy, Trưởng ban tổ chức KST 2012.